Chương 7: Quản trị tâm lý trong đầu tư

Bạn đã từng ở trong tình huống này chưa?


Bạn ngồi trước màn hình, theo dõi một lệnh giao dịch đang dần chạm đến mức cắt lỗ. Tim bạn đập nhanh hơn. Bạn cảm thấy một cơn thắt trong bụng, ngày càng căng thẳng khi giá di chuyển ngược lại vị thế của bạn. Bạn tự nhủ phải hành động… nhưng lại do dự!

Bạn băn khoăn không biết có nên đóng lệnh sớm hay chờ đợi. Hàng trăm suy nghĩ xoay vòng trong đầu bạn. Và rồi thị trường tiếp tục đi ngược lại. Cuối cùng, bạn nhấn nút thoát lệnh với đôi tay run rẩy, và số dư tài khoản của bạn giảm đi.

Sau đó, bạn cảm thấy một làn sóng hối hận, xấu hổ, và bắt đầu trách móc chính mình.

Nỗi Sợ Thua Lỗ - Kẻ Thù Lớn Nhất Của Trader

Mọi trader đều từng trải qua cảm giác này! Đây chính là gánh nặng tâm lý lớn nhất: sợ mất tiền.

  • Bạn lo lắng số vốn của mình sẽ bốc hơi.

  • Bạn sợ bị cháy tài khoản.

  • Bạn có thể giữ lệnh chỉ vì hy vọng thị trường sẽ đảo chiều.

  • Hoặc bạn có thể vội vàng thoát lệnh quá sớm vì hoảng loạn.

Nỗi sợ này làm bạn tê liệt tư duy, khiến bạn mất đi sự rõ ràng trong phân tích và xa rời kế hoạch giao dịch ban đầu. Nó khiến bạn nghi ngờ kỹ năng của mình và thậm chí là giá trị của bản thân.

Thua lỗ là điều đáng sợ. Khi nhìn thấy con số âm lớn trong tài khoản, bạn có thể tức giận, mất kiểm soát, và dễ dàng rơi vào bẫy giao dịch trả thù (revenge trading).

Bạn cố gắng tìm kiếm một lệnh thắng thật nhanh để xóa đi khoản lỗ trước đó. Bạn vào lệnh với toàn bộ số vốn còn lại, hy vọng lệnh này sẽ giúp bạn lấy lại những gì đã mất. Nhưng thông thường, cách này chỉ khiến số lỗ của bạn nhân đôi.

Gợi ý:

  • Hãy bắt đầu với một số tiền nhỏ. Tại sao chúng ta có thể mua một tờ vé số 10000 dù biết rằng 99.99% chúng ta sẽ mất nó? Đó là vì số tiền đó quá nhỏ để ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.

  • Hãy có một kế hoạch giao dịch ngay từ đầu và tuân theo kế hoạch giao dịch đó. Khi bạn mở một vị thế mới, bạn đã xác định số tiền bạn có thể mất, hãy xem nó là một khoản phí đầu tư. Khoản chi phí này bạn xác định tâm thế từ đầu là đã mất (cũng như 10000 bạn bỏ ra cho tờ vé số).

  • Hãy kiên trì và nhất quán với chiến lược giao dịch của mình. Đừng quan tâm đến những chuỗi thắng thua ngắn hạn, chúng không có giá trị thống kê. Hãy nhìn vào kết quả giao dịch của một chuỗi lệnh dài ví dụ 100 lệnh.

Lòng Tham - Kẻ Thù Thầm Lặng

Ngoài nỗi sợ, còn một yếu tố khác khiến trader dễ mắc sai lầm: lòng tham.

  • Bạn thấy một cổ phiếu đang hot, một đồng coin đang tăng mạnh.

  • Bạn nghĩ đó là cơ hội kiếm tiền dễ dàng và nhảy vào ngay lập tức.

  • Nếu thắng, bạn có thể trở nên quá tự tin.

  • Nếu thua, bạn có thể cố gắng vào thêm nhiều lệnh khác để tìm lại cảm giác chiến thắng.

Sự hưng phấn này có thể dẫn đến overtrading – giao dịch quá mức mà không có kế hoạch, phá vỡ các quy tắc quản lý rủi ro, và chỉ đặt lệnh dựa trên cảm tính.

Và khi ngày giao dịch kết thúc, bạn nhìn lại tài khoản của mình và thấy một màu đỏ rực…

Sự Chán Nản - Một Cái Bẫy Nguy Hiểm

Đôi khi, bạn ngồi hàng giờ trước màn hình nhưng không thấy cơ hội nào xuất hiện. Bạn cảm thấy chán nản, muốn có hành động, và quyết định vào một lệnh không theo kế hoạch. Bạn có KPI phải đạt được trong ngày, và việc không có một cơ hội vào lệnh nào thôi thúc bạn phải làm gì đó để đạt được KPI của mình.

Những lệnh giao dịch chỉ vì chán thường dẫn đến rắc rối. Thị trường không quan tâm bạn đang buồn chán hay không. Nó vẫn di chuyển theo cách của nó.

Điều này dần dần bào mòn kỷ luật của bạn. Bạn vào những lệnh mà chính bạn cũng không hiểu vì sao mình lại làm vậy. Và sau đó, bạn tự hỏi: Tại sao mình lại nhấn nút giao dịch?

Phân Tích Quá Mức (Analysis Paralysis)

  • Bạn nhìn chằm chằm vào biểu đồ.

  • Bạn lật qua lật lại hàng chục chỉ báo.

  • Bạn đọc thêm một bài viết, xem thêm một video.

  • Bạn liên tục nghi ngờ kế hoạch của mình: “Liệu mình có nên đợi giá hồi lại không? Có nên đổi khung thời gian không? Có nên điều chỉnh cài đặt chỉ báo không?”

Khi bạn vẫn còn đang đắn đo, giá đã đi đúng theo phân tích của bạn – nhưng bạn không làm gì cả. Bạn cảm thấy hối tiếc, tự trách bản thân đã bỏ lỡ một cơ hội lớn. Bạn tự hứa rằng lần sau sẽ không lặp lại sai lầm này… nhưng rồi vẫn tiếp tục do dự!

Những Kỳ Vọng Không Thực Tế

  • Bạn nghĩ rằng mình có thể nhân đôi tài khoản mỗi tuần.

  • Bạn kỳ vọng có những lệnh giao dịch hoàn hảo, không bao giờ lỗ.

  • Bạn tin rằng một ngày nào đó sẽ đủ giàu để sống trên một hòn đảo xa xôi.

Bạn nhìn thấy những trader trên mạng khoe lãi khủng, xe sang, cuộc sống xa hoa. Bạn muốn được như họ. Vì thế, bạn đặt những lệnh quá lớn để tìm kiếm siêu lợi nhuận – và tài khoản của bạn cháy khi thực tế không như bạn tưởng.

Áp Lực Xã Hội & FOMO

  • Bạn thấy bạn bè khoe lợi nhuận trên mạng.

  • Bạn thấy brokers của bạn khoe lãi, báo chốt lời liên tục.

  • Bạn nghe ai đó nói về một đợt sóng Bitcoin.

  • Bạn sợ bị bỏ lỡ cơ hội và nhảy vào giao dịch ngay lập tức.

Nhưng rồi giá giảm. Bạn cảm thấy ngốc nghếch. Bạn tiếp tục “bắt đáy” nhiều lần, nhưng giá vẫn giảm tiếp. Bạn hoảng loạn, mất phương hướng giữa sự sợ hãi (fear of losing) và nỗi sợ bị bỏ lỡ (fear of missing out – FOMO).

Kết quả? Một cơn chóng mặt tâm lý khiến bạn mất dần sự tự tin.

Trading Là Một Cuộc Chiến Tâm Lý

Nhiều người nghĩ rằng trading chỉ là phân tích biểu đồ và chỉ báo. Nhưng thực tế, tâm lý mới là yếu tố quyết định tất cả.

  • Nếu tâm trí bạn bị sợ hãi, bạn sẽ không thể giao dịch đúng kế hoạch.

  • Nếu bạn bị lòng tham chi phối, bạn sẽ mạo hiểm quá mức.

  • Nếu bạn bị tức giận, bạn sẽ revenge trading.

Mỗi nỗi sợ, sai lầm, và cảm giác tội lỗi trong giao dịch không chỉ xảy ra với riêng bạn – mà với tất cả trader trên thế giới.

Và chỉ khi kiểm soát được tâm lý, bạn mới có thể kiểm soát được kết quả giao dịch của mình.