Trang chủ Tin tức Phân tích cổ phiếu HPG [28-09-2024]
dungquathpg_66d99f6f9a856

Phân tích cổ phiếu HPG [28-09-2024]

Vũ Nguyễn
Vũ Nguyễn thg 10 16, 2024
Ngành thép Việt Nam, đặc biệt là Hòa Phát, đang đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường toàn cầu và nội địa, như thép giá rẻ từ Trung Quốc và rào cản thương mại. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh và dự án Dung Quất 2 mang lại cơ hội cho Hòa Phát. Nhà đầu tư nên xem xét mua vào cổ phiếu thép cho trung và dài hạn.

Nội dung

Ngành thép Việt Nam và Hòa Phát (HPG) đang đứng trước những biến động mạnh mẽ cả từ thị trường trong nước và quốc tế. Dưới đây là những thông tin chi tiết và nhận định giúp bạn có cái nhìn tổng quan và chiến lược cho việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu thép.

Tình hình thị trường thép

Ngành thép toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn thế giới, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm mạnh của nguồn cầu khiến nguồn cung thép dư thừa và từ đó đẩy giá thép toàn cầu đi xuống liên tục trong hơn một năm qua.

Áp Lực từ Thép Trung Quốc Giá Rẻ

Việc phát triển chậm lại hay thậm chí là suy thoái của ngành Bất Động Sản Trung Quốc đã khiến rất nhiều nhà sản xuất thép của nước này phải bán rẻ một lượng thép rất lớn sang các thị trường bên ngoài với mức giá rẻ.. Thép giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, chiếm tới 70% tổng nhập khẩu thép của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các nhà sản xuất thép trong nước như Hòa Phát, khi mà họ phải cạnh tranh với mức giá thấp, ảnh hưởng tới lợi nhuận và thị phần. Trước tình hình này, Bộ Công Thương Việt Nam đang cân nhắc các biện pháp chống bán phá giá đối với thép cán nóng từ Trung Quốc nhằm bảo vệ thị trường nội địa.

Thách Thức từ Các Rào Cản Thương Mại

Trước tình hình thép giá rẻ tràn ngập thị trường và bóp nghẹt các nhà sản xuất trong nước, cũng như việc thu hẹp sức cầu nội địa khiến nhiều nước trên toàn thế giới tiến hành áp thuế nhập khẩu thép. Là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thép hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng, đơn cử như:

  • Liên minh Châu Âu (EU) đã mở rộng hạn ngạch thuế quan đối với nhiều sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam cho đến giữa năm 2024. Đây là biện pháp nhằm bảo vệ ngành thép nội địa EU, làm tăng khó khăn cho các nhà sản xuất thép Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này.

  • Canada đã thông báo áp thuế bổ sung 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm từ Trung Quốc. Dù chưa áp dụng trực tiếp lên Việt Nam, xu hướng này có thể sẽ lan rộng ra các thị trường khác, tác động đến khả năng xuất khẩu của thép Việt Nam và Hòa Phát.

Chuyển đổi sản xuất xanh và thách thức mới

Ngành thép Việt Nam, trong đó có Hòa Phát, đang tiến hành chuyển đổi sang sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như EU, nơi áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM). CBAM yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ mức phát thải khí nhà kính (GHG) nhất định, và từ năm 2026, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải mua chứng chỉ CBAM nếu phát thải vượt mức cho phép.

Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp thép Việt Nam, đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ giảm phát thải và cải thiện hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Hòa Phát gia tăng năng lực cạnh tranh và tiếp cận các thị trường khó tính hơn nhờ đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Thách thức và thuận lợi của Hòa Phát

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành thép của Việt Nam, Hòa Phát đứng trước nhiều thách thức và cơ hội. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Hòa Phát có phải là một công ty tiềm năng để đầu tư:

Mô Hình Kinh Doanh và Cơ Cấu Cổ Đông Hòa Phát

  • Đa Dạng Hóa Kinh Doanh: Hòa Phát đã mở rộng hoạt động từ thép sang các lĩnh vực khác như nông nghiệp và bất động sản công nghiệp. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào ngành thép và tăng cường khả năng chống chịu trong bối cảnh thị trường có biến động. Tuy nhiên doanh thu đến từ mảng thép hiện tại vẫn chiếm một phần lớn trong tổng doanh thu của Hòa Phát.

  • Cơ Cấu Cổ Đông: Hòa Phát có cơ cấu cổ đông chủ yếu thuộc gia đình tỉ phú Trần Đình Long và các quỹ đầu tư, giúp duy trì sự ổn định và kiểm soát chặt chẽ trong các quyết định chiến lược.

Hiệu Suất Tài Chính và Thách Thức

  • Suy Giảm Lợi Nhuận: Dù chi phí nguyên liệu giảm, lợi nhuận gộp của Hòa Phát vẫn giảm do áp lực giảm giá bán và nhu cầu nội địa yếu. Lượng tồn kho cao và các dự án đầu tư quy mô lớn đã dẫn đến tăng trưởng nợ và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao.

  • Rủi Ro Tài Chính: Việc đầu tư lớn vào các dự án mới làm tăng đòn bẩy tài chính, trong khi lãi suất gia tăng có thể ảnh hưởng đến dòng tiền. Tuy nhiên, sự tăng trưởng doanh thu dự báo từ các dự án như Khu liên hợp Dung Quất 2 có thể bù đắp một phần rủi ro này.

Dung Quất 2 và tiềm năng tương lai

Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm và tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng đang tiến hành đúng tiến độ, khi đã hoàn thành 80% giai đoạn 150% giai đoạn 2 tính đến cuối tháng 7/2024. Dự kiến dự án sẽ vận hành thương mại vào quý I năm 2025, đánh dấu bước tiến quan trọng đưa Hòa Phát lọt vào Top 30 công ty thép hàng đầu thế giới. Dự án cũng sẽ giúp công ty tập trung vào sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) cho các ứng dụng chuyên biệt như trong ô tô, đóng tàu, kỹ thuật cơ khí, và các ngành công nghiệp có nhu cầu cao khác.

Những ưu thế của Hòa Phát Dung Quất 2

  • Công suất lớn hơn và công nghệ cải tiến: Hòa Phát Dung Quất 2 có hai lò cao lớn gấp 2-3 lần so với Dung Quất 1, cho phép công ty giảm thiểu phát thải carbon và nâng cao chất lượng thép tổng thể, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.

  • Hiệu quả sản xuất cao: Việc tối ưu hóa công nghệ giúp giảm lượng than cốc cần thiết chỉ còn 320kg/tấn thép, giảm so với mức 360kg/tấn ở Dung Quất 1. Số lượng công nhân cũng giảm đáng kể, chỉ còn 6.000 người so với 11.000 người ở dự án trước, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Thuế Nhập Khẩu HRC và Cơ Hội Cho Hòa Phát

Hiện tại, Bộ Công Thương đang điều tra việc nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) từ một số công ty Trung Quốc và Ấn Độ, và dự kiến kết quả sẽ có trong 3-5 tháng tới. Nếu áp dụng thuế nhập khẩu, điều này có thể trùng với thời điểm Dung Quất 2 vận hành, giúp Hòa Phát tận dụng cơ hội để đáp ứng nhu cầu HRC đang thiếu hụt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc áp thuế chỉ áp dụng cho một số mã HRC có giá thấp hơn so với giá trong nước hoặc vượt quá mức khối lượng nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền quy định. Điều này tạo điều kiện cho Hòa Phát lấp đầy khoảng trống và tăng cường vị thế trong thị trường HRC tại Việt Nam.

Ngoài HRC, Bộ Công Thương cũng đang điều tra việc nhập khẩu thép mạ kẽm (tôn mạ) từ Trung Quốc và Hàn Quốc để xem xét áp thuế chống bán phá giá. Nếu áp thuế được triển khai, các nhà sản xuất thép mạ kẽm như HSG, NKG, HPG, và GDA sẽ là bên hưởng lợi lớn, vì thuế nhập khẩu sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho thép sản xuất trong nước.

Dung Quất 2 và Tham Vọng Sản Xuất Đường Ray Tàu Cao Tốc

Ngày 21/9/2024, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp lớn, trong đó có Tập đoàn Hòa Phát, để bàn về các giải pháp phát triển kinh tế. Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - ông Trần Đình Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 70 tỷ USD, một công trình chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.

Ông Long cũng khẳng định rằng Hòa Phát đủ năng lực sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao tại Việt Nam. Điều này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho Hòa Phát mà còn đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, một lĩnh vực cần sự tham gia của những doanh nghiệp mạnh về năng lực sản xuất và công nghệ.

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Funan (FNS), Đường sắt cao tốc Bắc Nam đang mở ra cơ hội mới cho Hòa Phát, nhất là khi doanh nghiệp này đang nghiên cứu sản xuất thép phục vụ cho dự án này. Cụ thể, dự án thử nghiệm Tuyến Long Thành (Thủ Thiêm – Long Thành) do ALMEC Corporation thực hiện cho thấy sự phù hợp về công nghệ và kỹ thuật để triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tổng chi phí dự toán cho mỗi km của tuyến đường này là 1.145 tỷ đồng, trong đó 417,5 tỷ đồng/km (chiếm 36,48%) dành cho xây dựng công trình, đường ray và nhà ga.

Gói Kích Thích Kinh Tế của Trung Quốc

Trung Quốc vừa tung ra một loạt biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ ngành bất động sản đang gặp khó khăn. Đây là một trong những gói kích thích mạnh chưa từng có trong nhiều năm nhằm vực dậy thị trường bất động sản, chứng khoán, và nền kinh tế nói chung của Trung Quốc. Gói kích thích kinh tế này của Trung Quốc có thể tác động tích cực đến giá thép toàn cầu do việc tăng nhu cầu thép nội địa Trung Quốc và giảm nguồn cung ra thế giới.

Kết Luận và Khuyến Nghị Đầu Tư

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, đây có thể là thời điểm thuận lợi để đầu tư vào nhóm cổ phiếu thép nói chung và Hòa Phát nói riêng cho trung và dài hạn. Hiện tại giá cổ phiếu nhóm ngành thép trong thời gian gần đây đã cho thấy dấu hiệu áp lực bán có sự suy giảm ở những vùng hỗ trợ quan trọng, và dòng tiền đang vào. Mặc dù hiện tại nhóm cổ phiếu thép chưa tăng quá mạnh so với nhóm ngành ngân hàng hay chứng khoán, nhưng đây cũng là một thuận lợi. Việc chưa tăng quá mạnh giúp nhóm ngành thép tránh rủi ro điều chỉnh quá sâu khi có sự điều chỉnh của thị trường chung. Nhà đầu tư có thể quan sát kỹ nhóm ngành này và tìm điểm mua nếu nhóm cổ phiếu này thể hiện sức chống chịu tốt khi thị trường điều chỉnh.

Có thể bạn quan tâm