Trang chủ Tin tức Nhìn vạn vật như chúng thật sự là - Đạo Trading

Nhìn vạn vật như chúng thật sự là - Đạo Trading

Vũ Nguyễn
Vũ Nguyễn thg 11 20, 2024
Thực hành chánh niệm trong giao dịch để giảm căng thẳng, cân bằng cảm xúc, tăng hiệu suất và kiểm soát rủi ro trong thị trường tài chính.

Nội dung

Giao dịch không đơn thuần là một công việc, nó là một hành trình tâm linh, một con đường để mỗi người đối diện và khám phá chính mình. Trong “Đạo Trading” (một cuốn sách gối đầu của nhiều traders Việt), tác giả đã viết về việc làm chủ cảm xúc trong giao dịch – điều không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng cho đến khi bản thân bị cuốn vào vòng xoáy bất tận của lòng tham, nỗi sợ và cái tôi. Sự hung hãn của thị trường không chỉ nằm ở biến động giá, mà chính là ở nơi cảm xúc của ta bị thử thách đến tận cùng.

J.Livermore, một bậc thầy về giao dịch từng nói: “Trading là một cuộc chiến về cảm xúc chứ không phải về sự thông minh”.

Tham Lam và Sợ Hãi – Hai Con Quái Vật Trong Tâm

Tham lam và sợ hãi là hai gương mặt của cùng một đồng tiền, luôn ẩn hiện trong từng quyết định giao dịch của chúng ta. Lòng tham khiến ta theo đuổi những giấc mơ không có điểm dừng, còn nỗi sợ kéo ta vào vực thẳm của hoài nghi và do dự. Nhận diện chúng không đủ – ta phải thừa nhận sự hiện diện của chúng trong từng khoảnh khắc. Chỉ khi quan sát và buông bỏ, ta mới không để chúng thao túng tâm trí.

Cái tôi của ta, hay bản ngã, chính là nguồn gốc của mọi đau khổ. Khi giao dịch vì cái tôi, ta sẽ dễ dàng bị cuốn vào trò chơi hơn-thua của thị trường. Cảm giác cần chứng minh mình đúng, lòng kiêu hãnh vì những lần thắng lợi, hay sự cay đắng sau mỗi thất bại đều là những cạm bẫy khiến ta mất đi sự sáng suốt. Buông bỏ cái tôi là một hành trình dài – mỗi thất bại là một cơ hội để ta nhận ra giới hạn của mình và trở về với cái chân thực hơn.

Sự Bất Cân Xứng Giữa Thua Lỗ và Chiến Thắng

Một nghiên cứu quan trọng cho thấy rằng mức độ đau đớn từ những lần thua lỗ thường vượt xa mức độ hạnh phúc khi chiến thắng. Đây là lý do khiến hầu hết mọi người cố gắng hết sức để tránh thua lỗ, thậm chí sẵn sàng mạo hiểm rất nhiều để bám vào hy vọng thay đổi tình thế thua lỗ. Các nhà giao dịch thường gặp khó khăn trong việc thoát khỏi một vị thế thua lỗ bởi vì khi làm như vậy, họ chính thức thừa nhận thất bại. Điều này vô tình ngăn cản họ biến thất bại thành một cơ hội để tiến lên hoặc học hỏi.

Không ai thích trở thành một kẻ thua cuộc, vì vậy nhiều người tiếp tục bám trụ vào các vị thế thua lỗ, hi vọng có thể “gỡ gạc” hoặc đợi một sự thay đổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần hiểu rằng hầu hết các nhà giao dịch thành công đều phải trải qua rất nhiều khoản thua lỗ nhỏ, trong khi những giao dịch thắng thường có lợi nhuận lớn hơn.

Thấy thực tại như nó là

Phật giáo có câu: "Thấy thực Tại như nó là". Theo Đức Phật là sống hiện tại, là quán xét, nghe, nhìn thấy ngay lúc này, chứ không phải nhớ nghĩ về quá khứ hay tương lai. Vậy cái chúng ta cần nhìn là gì? Đó là chuyển động của thị trường.

Giống như một đứa trẻ 4-5 tuổi quan sát mọi thứ xung quanh với sự tò mò và không bị bó buộc bởi định kiến hay suy diễn quá mức, chúng ta cần nhìn nhận thị trường như nó thật sự là. Điều này có nghĩa là quan sát và phản ứng theo những gì đang diễn ra, không cố gắng “đọc quá xa” hoặc gán cho thị trường những ý nghĩa phức tạp không cần thiết.

Khi bạn tiếp cận thị trường với sự trong sáng, như cách trẻ nhỏ nhìn mọi thứ lần đầu tiên, bạn sẽ dễ dàng nhận diện các cơ hội và thách thức mà không bị chi phối bởi quá khứ hay nỗi sợ hãi vô hình. Sự đơn giản và hồn nhiên này không có nghĩa là ngây thơ hay thiếu hiểu biết, mà là sự tinh gọn trong suy nghĩ, loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng không cần thiết.

1. Giá Là Thước Đo Tâm Lý Thị Trường

  • Giá cả phản ánh sự đồng thuận của thị trường tại một thời điểm cụ thể. Khi giá tăng, điều đó có nghĩa là có nhiều người sẵn lòng mua hơn bán, biểu hiện lòng tham hoặc kỳ vọng vào sự tăng trưởng. Ngược lại, khi giá giảm, điều đó phản ánh nỗi sợ hãi và áp lực bán.

  • Nhà đầu tư có thể đọc hiểu hành vi thị trường và tâm lý đám đông qua biến động giá. Đặc biệt, việc quan sát các mức hỗ trợ, kháng cự và các mô hình giá giúp nhận diện những điểm then chốt mà hành vi thị trường có thể thay đổi.

2. Khối Lượng Phản Ánh Mức Độ Cam Kết Của Thị Trường

  • Khối lượng giao dịch cho biết mức độ mạnh mẽ của động thái giá. Ví dụ, một cú bứt phá mạnh kèm theo khối lượng lớn cho thấy có sự tham gia và ủng hộ mạnh mẽ của thị trường, còn bứt phá với khối lượng thấp có thể là tín hiệu không đáng tin cậy.

  • Khối lượng còn giúp xác nhận hoặc phủ định xu hướng hiện tại. Nếu giá tăng nhưng khối lượng thấp, có thể là dấu hiệu của sự suy yếu hoặc thiếu cam kết từ phía người mua, ngược lại với giá tăng kèm khối lượng lớn.

3. Tổng Hòa Giá và Khối Lượng Cung Cấp Câu Chuyện Đầy Đủ Về Thị Trường

  • Khi kết hợp, giá và khối lượng cho thấy câu chuyện về cung và cầu. Sự thay đổi trong khối lượng tại các mức giá quan trọng cung cấp cái nhìn sâu hơn về sự thay đổi tâm lý thị trường và ý định của các nhà đầu tư lớn.

  • Từ khía cạnh này, giá và khối lượng được coi là "ngôn ngữ" của thị trường. Việc đọc hiểu hai yếu tố này có thể giúp nhà đầu tư nắm bắt được động lực thị trường mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào các tin tức hay yếu tố bên ngoài khác.

4. Tính Đơn Giản nhưng Sâu Sắc

  • Tác giả của "Đạo Trading" có đề cập rằng phần lớn các chỉ báo kỹ thuật hay phương pháp phân tích đều quay về việc phân tích giá và khối lượng. Thay vì phức tạp hóa vấn đề, việc tập trung vào hai yếu tố này giúp nhà đầu tư giảm bớt sự phân tán và tập trung vào những gì thực sự quan trọng.

  • Khả năng đọc giá và khối lượng như một bức tranh toàn cảnh về thị trường là kỹ năng mà các nhà đầu tư cần rèn luyện và làm chủ.

Kỷ Luật – Con Đường Đi Qua Sóng Gió

Kỷ luật không phải là những nguyên tắc cứng nhắc mà là trạng thái tâm trí kiên định trước mọi cám dỗ. Kỷ luật giúp ta giữ vững bản thân trong những giây phút dao động nhất của thị trường. Đừng nghĩ rằng chỉ cần kỷ luật là đủ – kỷ luật thực sự là khi ta kiên trì theo đuổi những gì đã đặt ra dù lòng tham và sợ hãi đang gào thét.

Buông là không dính mắc vào kết quả. Khi ta buông, không có nghĩa là từ bỏ mà là thả lỏng mọi kỳ vọng và chấp nhận mọi kết quả xảy ra. Thắng không kiêu, bại không nản – đó chính là cách sống và giao dịch trong tỉnh thức. Thị trường dạy cho ta rằng không điều gì là chắc chắn, chỉ có giây phút hiện tại là thực.

Mỗi Giao Dịch – Một Bài Học Giác Ngộ

Jon Kabat-Zinn đã định nghĩa chánh niệm như là “Chú tâm một cách đặc biệt: có chủ đích, an trú trong giây phút hiện tại và không phán xét”.

Giao dịch, với những thắng thua liên tiếp, là một phương tiện để ta nhìn sâu vào chính mình. Không phải là kiến thức, không phải là những phương pháp – sự thành công trong trading đến từ khả năng thấu hiểu và vượt qua những giới hạn nội tâm. Hãy coi mỗi giao dịch là một bài học để soi chiếu bản thân, là một cơ hội để nhận diện những điều còn che mờ trong tâm trí.

1. Nhận Diện và Quan Sát Cảm Xúc

  • Chánh niệm không có nghĩa là loại bỏ hoặc phủ nhận những cảm xúc như tham lam và sợ hãi, mà là nhận diện và quan sát chúng một cách trung thực, không phán xét. Khi bạn chánh niệm, bạn có thể nhìn thấy lòng tham và nỗi sợ đang trỗi dậy trong mình, từ đó giữ một khoảng cách an toàn, không để chúng chi phối hành động.

  • Ví dụ: Khi giá trị đầu tư tăng mạnh, lòng tham có thể trỗi dậy, thôi thúc bạn tiếp tục nắm giữ với hy vọng kiếm được nhiều hơn. Nhưng khi bạn thực hành chánh niệm, bạn có thể nhận biết rằng lòng tham đang hoạt động, từ đó giữ được sự sáng suốt và có thể đưa ra quyết định đúng đắn hơn.

2. Giữ Tâm Trí Trong Giây Phút Hiện Tại

  • Tham lam thường xuất phát từ khao khát có được thêm trong tương lai, còn sợ hãi lại đến từ lo lắng mất mát những gì đang có hoặc từ thất bại trong quá khứ. Chánh niệm giúp bạn tập trung vào giây phút hiện tại, không để mình bị kéo đi bởi những viễn cảnh tương lai hay ám ảnh quá khứ.

  • Khi bạn hiện diện trong khoảnh khắc này, bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, không bị che mờ bởi kỳ vọng hay nỗi lo âu.

3. Tâm Không Phán Xét

  • Khi thực hành chánh niệm, bạn quan sát cảm xúc của mình mà không gán nhãn hay đánh giá chúng là tốt hay xấu. Điều này giúp bạn không bị cuốn theo cảm xúc mạnh mẽ như tham lam và sợ hãi, mà thay vào đó, bạn đơn giản là chấp nhận sự hiện diện của chúng. Nhờ đó, bạn có thể đưa ra các quyết định không bị chi phối bởi sự hấp tấp hay hoảng loạn.

  • Trong giao dịch hoặc đầu tư, điều này rất quan trọng vì tâm lý thường là một yếu tố lớn gây ảnh hưởng đến hành động của nhà đầu tư.

4. Làm Dịu Sự Kích Động và Tăng Tính Tỉnh Thức

  • Chánh niệm giúp làm dịu hệ thần kinh và giảm căng thẳng. Khi bạn thực hành chánh niệm, cơ thể và tâm trí bạn không còn bị kích thích mạnh mẽ như khi bạn đang chịu sự kiểm soát của tham lam hoặc sợ hãi. Điều này giúp bạn trở nên tỉnh táo hơn và có khả năng ra quyết định sáng suốt hơn trong tình huống đầy biến động.

Phương Thức Giao Dịch Chánh Niệm

Quản Trị NAV (Net Asset Value - Giá Trị Tài Sản Ròng)

  • Xác định NAV phù hợp: Chọn mức NAV mà bạn có thể chấp nhận mất mát mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và tâm lý.

  • Sử dụng phần tiền nhàn rỗi để tránh việc bạn cần phải sử dụng khoản tiền đó ngay lập tức mà không có.

  • Phân bổ vốn hợp lý: Mỗi giao dịch chỉ nên cho phép lỗ 1-2% NAV, giúp giảm thiểu rủi ro và giữ được tâm lý ổn định khi thị trường biến động.

  • Điều chỉnh NAV linh hoạt: Định kỳ đánh giá lại mức NAV để phù hợp với tình hình tài chính và thị trường.

Chia nhỏ rủi ro bằng việc đi nhiều lệnh

  1. DCA Lên Với Các Lệnh Lời

    • Khởi đầu với một vị thế nhỏ: bạn chỉ biết bạn sai hay đúng khi bạn bắt đầu "xuống tiền", vì vậy hãy bắt đầu với một vị thế nhỏ. Ví dụ bạn dự định mở 1 giao dịch với giá trị 10, hãy chỉ mở với giá trị 1 hay 2.

    • Trung bình giá lên (DCA): Khi lệnh đang có lợi nhuận, tăng thêm vị thế ở các mức giá thuận chiều để tận dụng xu hướng đang có lợi, thay vì trung bình giá ngược chiều khi lệnh thua lỗ.

    • Quản lý rủi ro cho từng lệnh DCA: Đặt stop-loss (SL) riêng cho từng lệnh DCA để bảo vệ lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro khi thị trường đảo chiều.

  2. Quản Lý Stop-Loss (SL) và Take-Profit (TP)

    • Thiết lập SL hợp lý: Mỗi lệnh cần có một điểm SL rõ ràng, giữ kỷ luật không dời SL theo cảm xúc.

    • Dời SL để bảo vệ lợi nhuận: Khi lệnh DCA đi đúng hướng, dời SL lên gần mức vào lệnh để giảm rủi ro và bảo toàn lợi nhuận.

    • Xác định TP dựa trên mục tiêu thực tế: Đặt điểm TP cụ thể và sẵn sàng chốt lời khi đạt mục tiêu, tránh kỳ vọng quá cao.

  3. Giữ Tâm Thế Chánh Niệm Trong Giao Dịch

    • Quan sát và không phán xét: Giữ tâm lý bình tĩnh, quan sát thị trường như nó đang diễn ra mà không bị chi phối bởi cảm xúc tham lam hoặc sợ hãi.

    • Học hỏi và linh hoạt: Luôn rút kinh nghiệm từ từng giao dịch và sẵn sàng điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.

Lưu ý:

  • Có những ý kiến cho rằng việc DCA ngược chiều là hoàn toàn có thể và bạn sẽ thắng thị trường nếu bạn đủ "lỳ". Việc này phụ thuộc vào thị trường bạn giao dịch và khả năng đánh giá thị trường của bạn. Ví dụ với thị trường chứng khoán Việt Nam và bạn lỡ mua nhầm một cổ phiếu rác thì bạn có thể sẽ không bao giờ "về bờ".

  • Một số ý kiến cũng cho rằng bạn không cần đặt SL và TP. Việc này cũng hoàn toàn có thể nếu bạn thực sự tự tin và khả năng nắm bắt thị trường của mình cũng như bạn có phương pháp quản trị rủi ro khác (ví dụ như hạn chế số vốn trên tài khoản). Với người mới, việc đặt sẵn SL và TP và sau đó để thị trường tự vận hành theo cách của nó sẽ giúp bạn tuân thủ kỷ luật.

Chia nhỏ rủi ro bằng việc đi ít lệnh

Hạn Chế Số Lần Vào Lệnh

  • Kiên nhẫn chờ điểm vào lệnh tốt: Chỉ vào lệnh khi có cơ hội thị trường rõ ràng, không giao dịch theo cảm xúc hay dao động nhỏ.

  • Tập trung vào chất lượng, không phải số lượng: Mỗi lệnh giao dịch cần được phân tích kỹ lưỡng với xác suất thành công cao. Giới hạn kỳ vọng để quản trị rủi ro (việc đạt được 3-4% lợi nhuận dễ hơn nhiều so với kỳ vọng 20% lợi nhuận, và rủi ro cũng thấp hơn).

  • Vào với NAV lớn: Khi có tín hiệu rõ ràng và xác suất cao, tăng cường vốn vào lệnh để tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng cần kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt qua stop-loss.

Quản Lý Stop-Loss (SL) và Take-Profit (TP)

  • Thiết lập SL rõ ràng: Đặt điểm SL cho mỗi lệnh để kiểm soát lỗ.

  • Xác định TP thực tế: Đặt TP phù hợp với kế hoạch và không quá tham lam. Lưu ý là kỳ vọng càng cao thì rủi ro càng cao. Với phương pháp này hãy đặt kỳ vọng ngắn nhưng chắc chắn.

  • Giữ tâm lý tỉnh táo: Không để cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định và kiên nhẫn chờ các cơ hội chất lượng.

Để thực hành chánh niệm trong giao dịch, bạn hãy cân nhắc việc ghi Nhật ký giao dịch, đây là cách mà các traders chuyên nghiệp sử dụng để nâng cao hiệu suất của họ.

Nếu bạn thích chủ đề này, hãy thử đọc bài viết khác của tôi: Khi Đạo gặp phố Wall.

Có thể bạn quan tâm