Trang chủ Tin tức Bessent: Mỹ sẽ đạt thỏa thuận với các đồng minh trước khi đánh hội đồng Trung Quốc
my-se-dat-thoa-thuan-voi-cac-dong-minh-truoc-khi-danh-hoi-dong-trung-quoc

Bessent: Mỹ sẽ đạt thỏa thuận với các đồng minh trước khi đánh hội đồng Trung Quốc

Vũ Nguyễn
Vũ Nguyễn thg 4 09, 2025
Mỹ muốn liên kết đồng minh để đối phó Trung Quốc, đẩy mạnh đàm phán và áp thuế trong chiến lược tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nội dung

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết ông hình dung Mỹ sẽ đạt được các thỏa thuận thương mại với các đồng minh, qua đó tạo tiền đề cho một chiến lược phối hợp chung nhằm đối phó với cấu trúc thương mại mất cân bằng của Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận với các đồng minh,” ông Bessent phát biểu sau bài diễn văn tại Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA) ở Washington vào thứ Tư. “Họ là những đồng minh quân sự tốt, nhưng chưa hẳn là đồng minh kinh tế hoàn hảo. Sau đó, chúng ta có thể tiếp cận Trung Quốc dưới hình thức một nhóm.”

Ông cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) không nên xoay trục sang phía Trung Quốc và rời xa Mỹ, đặc biệt chỉ ra sự ủng hộ rõ rệt cho hướng đi này từ phía Tây Ban Nha. “Làm vậy chẳng khác gì tự cắt cổ mình,” ông nói.

Liên hệ với chính sách thuế quan gần đây của Mỹ

Những phát biểu này đến trong bối cảnh chính quyền Mỹ gần đây tăng cường áp thuế toàn cầu, đặc biệt là lên các mặt hàng từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu không chỉ là ngăn chặn thương mại không công bằng, mà còn nhằm thúc đẩy chiến lược nearshoring và onshoring – tức là kéo sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đưa về các quốc gia thân thiện hơn hoặc trở lại Mỹ.

Các quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ đang tích cực tìm kiếm thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nước trong khu vực đang muốn nắm bắt cơ hội "thoát Trung", hưởng lợi từ xu thế Mỹ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất hiện đang gia tăng đối đầu, không muốn đàm phán mà tìm cách phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm duy trì lợi thế xuất khẩu – một chiến lược mà Bessent cho là “sai lầm nghiêm trọng” và có thể khiến các quốc gia khác tiếp tục nâng thuế để trung hòa hiệu ứng phá giá.

Căng thẳng thuế quan hai chiều Mỹ - EU cũng gia tăng

Ngay trong thời điểm ông Bessent phát biểu, EU cũng tuyên bố áp thuế lên khoảng 21 tỷ euro hàng hóa Mỹ, trong đó có các sản phẩm kim loại. Các mức thuế này dự kiến có hiệu lực từ giữa tháng Tư.

Dù vậy, ông Bessent nhấn mạnh Mỹ vẫn ưu tiên đàm phán thương mại với các đối tác thân cận, và cho biết đoàn đại biểu Việt Nam sẽ đến Washington trong ngày thứ Tư 09/04/2025. Trong lần xuất hiện trước đó trên kênh Fox Business, ông cũng cho biết Hàn Quốc và Ấn Độ đang mong muốn tổ chức đàm phán với Mỹ.

Thông điệp cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới

Ông Bessent không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc là “kẻ vi phạm tồi tệ nhất trong hệ thống thương mại quốc tế”, và cho rằng thay vì đàm phán, Bắc Kinh lại tìm cách né tránh trách nhiệm và cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc phá giá.

“Điều mà Trung Quốc không nên làm, là cố gắng phá giá để thoát khỏi khủng hoảng,” ông nói. Điều này chỉ khiến các quốc gia khác tăng thuế để chống lại tác động tiêu cực từ việc phá giá đó.

Định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc chơi địa chính trị

Bài phát biểu của Bộ trưởng Bessent cho thấy Mỹ đang chủ động vạch ra một chiến lược liên minh kinh tế toàn cầu, không chỉ để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà còn để định hình lại bản đồ chuỗi cung ứng, hướng tới sự bền vững, an toàn và ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn.

Việc ông Scott Bessent nhấn mạnh rằng "các nước xung quanh Trung Quốc đang tìm đến Mỹ để đàm phán, trong khi chỉ có Trung Quốc là leo thang căng thẳng" chính là tín hiệu rõ ràng về một cuộc chia phe đang hình thành.

Đặc biệt, lời cảnh báo của ông với EU — rằng xoay trục về phía Trung Quốc chẳng khác nào “tự cắt cổ mình” — không chỉ nhắm đến châu Âu, mà cũng là thông điệp ngầm gửi tới các nước đang phát triển: Nếu bạn chọn sai phe, bạn có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng mới mà Mỹ và các đồng minh đang xây dựng.

Tuy nhiên, nếu một nền kinh tế bất kỳ gắn quá chặt với đơn hàng và tiêu chuẩn từ Mỹ, một sự thay đổi chính trị (ví dụ: chính sách "America First" dưới thời Trump) có thể khiến các nước mất thị trường ngay lập tức. Lịch sử đã có nhiều trường hợp Mỹ rút lui hoặc bỏ rơi các đối tác khi không còn phù hợp với lợi ích chiến lược. Sự kiện Mỹ rút khỏi TPP là ví dụ điển hình. Giữa hai cường quốc đang định hình lại trật tự thương mại toàn cầu, lựa chọn khôn ngoan không nằm ở việc nghiêng về bên nào tuyệt đối, mà là ở khả năng duy trì không gian chiến lược linh hoạt, tận dụng lợi ích từ cả hai phía mà không để mình trở thành quân cờ của bất kỳ ai.

Nguồn: Bloomberg

Có thể bạn quan tâm