Tài liệu Stablecoin là gì?

Stablecoin là gì?

Stablecoin là một loại tiền mã hóa được thiết kế để giữ giá trị ổn định, thường gắn với đô la Mỹ. Khác với Bitcoin hay Ethereum có thể biến động hàng chục phần trăm trong ngày, 1 stablecoin gần như luôn = 1 USD.

Nội dung

Khi nhắc đến tiền mã hóa, nhiều người nghĩ ngay đến Bitcoin với những cú tăng giá chóng mặt – hoặc những lần "bốc hơi" hàng chục phần trăm chỉ trong vài ngày. Nhưng ít ai để ý rằng, phía sau sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này là một “chân kiềng” âm thầm nhưng cực kỳ quan trọng: stablecoin – hay còn gọi là đồng tiền số ổn định.

Stablecoin đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đến thế giới tiền mã hóa mà còn cả thị trường tài chính toàn cầu – từ trái phiếu chính phủ Mỹ, cho đến hành vi đầu tư cá nhân. Và nếu bạn là người đang quan tâm đến đầu tư, tiết kiệm hoặc chuyển tiền, stablecoin chắc chắn là thứ bạn nên hiểu rõ.

Tại sao cần stablecoin?

Stablecoin ra đời vì hai lý do chính:

  • Biến động giá: Tiền mã hóa như Bitcoin rất khó dùng trong thanh toán hoặc lưu trữ vì giá thay đổi liên tục.

  • Chuyển tiền quốc tế rắc rối: Ngân hàng quốc tế thường tốn phí cao, thời gian lâu, dễ bị giới hạn. Stablecoin giúp chuyển tiền nhanh, rẻ và 24/7.

Ví dụ thực tế: Mua Bitcoin bằng VNĐ

Bạn không thể dùng VNĐ để mua trực tiếp Bitcoin trên sàn Binance. Thay vào đó, bạn cần:

  1. Dùng VNĐ để mua USDT qua giao dịch P2P.

  2. Dùng USDT để mua BTC hoặc các đồng coin khác.

Stablecoin chính là cầu nối bắt buộc giữa tiền thật và thế giới tài sản số.

Stablecoin hoạt động thế nào?

Stablecoin giữ giá trị nhờ vào tài sản đảm bảo đứng sau. Khi bạn nạp 1 USD để lấy 1 USDC, tổ chức phát hành sẽ giữ 1 USD (hoặc tài sản tương đương như trái phiếu chính phủ Mỹ) để đảm bảo bạn có thể đổi ngược ra bất kỳ lúc nào.

Đây gọi là cơ chế bảo chứng 1:1. Nếu tổ chức phát hành không giữ đủ tài sản, thì stablecoin có thể mất giá so với USD, gây thiệt hại cho người nắm giữ.

Các loại stablecoin phổ biến

Tên

Cách bảo chứng

Ưu điểm

Rủi ro

USDT (Tether)

Có – chủ yếu là T-bills

Phổ biến, dễ mua

Thiếu kiểm toán minh bạch

USDC (Circle)

Có – T-bills và tiền mặt, được kiểm toán

Minh bạch cao, an toàn

Có thể bị đóng băng ví theo luật

DAI (MakerDAO)

Crypto (ETH), thế chấp vượt mức

Phi tập trung, minh bạch

Giá ETH biến động → dễ mất “peg”

USDY, USYC

Trái phiếu Mỹ, có lãi suất

Có lợi suất, bảo chứng rõ ràng

Có thể bị xem là chứng khoán

UST (đã sập)

Không có bảo chứng, dùng thuật toán

Ý tưởng sáng tạo

Đã phá sản, thiệt hại hàng chục tỷ USD

Ai nên dùng stablecoin? Dùng khi nào?

  • Người đầu tư crypto: cần nơi "trú ẩn" khi chưa muốn vào lệnh.

  • Người muốn giữ USD kỹ thuật số: tránh trượt giá nội tệ, bảo vệ tài sản.

  • Người chuyển tiền quốc tế: nhanh, rẻ, không cần ngân hàng.

  • Người tìm lợi suất ổn định: dùng các token hóa trái phiếu có lãi suất.

Những rủi ro cần lưu ý

  • Minh bạch: Không phải tổ chức nào cũng công khai tài sản bảo chứng (như USDT từng bị phạt vì báo cáo sai).

  • Rủi ro pháp lý: Một số stablecoin có thể bị đóng băng ví theo yêu cầu cơ quan quản lý.

  • Rủi ro từ sàn giao dịch: Nếu sàn phá sản, tiền của bạn cũng có thể biến mất nếu không lưu trữ riêng.

  • Rủi ro bảo mật: Mất khóa ví = mất tiền vĩnh viễn. Hãy học cách bảo vệ seed phrase.

Binance có stablecoin riêng không?

Binance từng phát hành BUSD – stablecoin hợp tác với Paxos, được giám sát bởi chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2023, BUSD bị yêu cầu ngừng phát hành do vấn đề pháp lý. Hiện Binance không còn stablecoin chính thức, nhưng vẫn hỗ trợ giao dịch qua các đồng như USDT, USDC, FDUSD

Hãy lưu tâm đến stablecoin

Stablecoin không chỉ là công cụ của dân đầu tư tiền mã hóa. Nó đang trở thành công cụ tài chính toàn cầu: lưu trữ tài sản, chuyển tiền quốc tế, kiếm lợi suất, và có thể ảnh hưởng đến cả lãi suất và tỷ giá trong tương lai.

Nếu bạn đang đầu tư, hoặc chỉ đơn giản muốn bảo vệ giá trị tài sản của mình, việc hiểu stablecoin không còn là tùy chọn – mà là điều nên có.