Trang chủ Tin tức Việt Nam hưởng lợi lớn từ thương mại toàn cầu — nhưng các mức thuế mới của ông Trump có thể làm lệch đường ray

Việt Nam hưởng lợi lớn từ thương mại toàn cầu — nhưng các mức thuế mới của ông Trump có thể làm lệch đường ray

Vũ Nguyễn
Vũ Nguyễn thg 4 08, 2025
Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng toàn cầu hóa. Nhờ mở cửa thương mại và chính sách ưu đãi đầu tư, nhiều "ông lớn" như Nike, Adidas, Apple… đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất, từ quần áo, giày dép đến thiết bị điện tử. Tuy nhiên, một nguy cơ mới đang nổi lên: Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế nhập khẩu rất cao — lên tới 46% — áp lên hàng hóa từ Việt Nam. Đây là một trong những mức thuế cao nhất trong số hơn 180 quốc gia bị áp thuế lần này, và nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam.

Nội dung

Vì sao điều này đáng lo?

Theo Ngân hàng Thế giới, gần 90% nền kinh tế Việt Nam (tính theo GDP năm 2023) đến từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Điều đó có nghĩa là nếu hàng Việt bị đánh thuế cao khi vào Mỹ, chúng ta sẽ khó bán được hàng, khiến kinh tế bị ảnh hưởng. Các chuyên gia ngân hàng OCBC ước tính mức thuế mới này có thể làm tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm đi 1.2 điểm phần trăm trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng 8% mà Việt Nam đặt ra có thể khó đạt được — dự báo mới của OCBC chỉ còn khoảng 5%.

Vì sao Mỹ lại đánh thuế?

Một phần là vì Việt Nam hiện đang xuất siêu quá lớn sang Mỹ — tức là bán sang Mỹ nhiều hơn rất nhiều so với lượng hàng nhập từ Mỹ. Cụ thể, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gần 137 tỷ USD, nhưng nhập chỉ khoảng 13 tỷ USD — chênh lệch hơn 123 tỷ USD.

Ngoài ra, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển nhà máy sang Việt Nam để “né” thuế. Điều này khiến Mỹ lo ngại rằng hàng Trung Quốc đang “đội lốt” hàng Việt.

Việt Nam đang làm gì?

Sau cuộc điện đàm với ông Trump tuần trước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng Việt Nam sẵn sàng gỡ bỏ mọi loại thuế đối với hàng Mỹ, đưa về mức 0%, miễn là Mỹ cũng làm điều tương tự với hàng Việt.

Việt Nam cũng đã có những bước đi nhằm làm “dịu” căng thẳng: giảm thuế cho một số sản phẩm của Mỹ như khí tự nhiên hóa lỏng, ô tô, và đồng ý cho thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

Chính phủ cũng kêu gọi các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và tăng lượng hàng Mỹ nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại.

Tuy nhiên, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng việc Việt Nam hứa “0% thuế” là chưa đủ, vì điều Mỹ lo là những rào cản thương mại không chính thức (gọi là “phi thuế quan”), ví dụ như: hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam, vi phạm bản quyền, hay các khoản thuế GTGT bị coi là cản trở thương mại.

Tương lai sẽ ra sao?

Các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam sẽ khó đạt được một thỏa thuận thuận lợi với Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn. Những nỗ lực đàm phán của Việt Nam có thể mang lại một số kết quả tích cực, nhưng khả năng Mỹ giảm mạnh mức thuế là rất thấp.

Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài có thể bắt đầu cân nhắc việc chuyển nhà máy khỏi Việt Nam nếu chi phí xuất hàng sang Mỹ trở nên quá đắt đỏ — điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và việc làm tại Việt Nam.

Dù vậy, việc điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Việt Nam vẫn còn thời gian để thương lượng, điều chỉnh và tìm hướng đi mới.

Nguôn: CNBC

Có thể bạn quan tâm